Giá vải thiều Việt bán tại Thái Lan 200.000 đồng/kg

Ngày 3/8 Sở công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, sản lượng vải năm 2017 đạt trên 91.500 tấn giảm 50.800 tấn so với năm 2016, chất lượng cao hơn năm trước.

Tổng doanh thu từ vải thiều và các hoạt động phụ trợ ước đạt 5.306 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2.123 tỷ đồng tương đương trên 90 triệu USD.

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở công thương tỉnh Bắc Giang cho hay, kết quả trên cho thấy tỉnh được bội thu dù sản lượng vải năm nay giảm do thời tiết. Năm nay thị trường nội địa chiếm 60%, được xác định là thị trường trọng điểm, tập trung nhằm khai thác hết tiềm năng sẵn có.

Mua vải thiều tươi Lục Ngạn
Điểm thu mua vải thiều tươi

Đối với xuất khẩu, thị trường Trung Quốc tiêu thụ 28.000 tấn, chiếm 76,5% tổng sản lượng xuất khẩu 36.600 tấn. Vải thiều Bắc Giang tiếp tục được xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản…

Mùa vải năm nay, thị trường xuất hiện nhiều doanh nghiệp lớn thu mua vải thiều để xuất sang các thị trường mới Dubai, Hà Lan, Thái Lan đã tác động mạnh đến việc thu mua, tiêu thụ của thương nhân Trung Quốc nên tạo sự cạnh tranh, giá bán trong suốt mùa vụ cao và ổn định.

Đáng chú ý năm nay, giá vải thiều sớm từ 40 – 60.000 đồng/kg; vải chính vụ dao động từ 18-55.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 80.000 đồng/kg. Tính bình quân, giá vải cả vụ đạt hơn 35.000 đồng/kg, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2016.

Vải thiều Lục Ngạn được đóng hộp, đóng túi đẹp, có tem nhãn để truy xuất nguồn gốc được bán tại Thái Lan có giá cao từ 120.000 đồng đến 200.000 đồng/kg.

Tuy đạt được kết quả bội thu như vậy nhưng hiện tại, xuất khẩu đến các thị trường mới chủ yếu qua đường hàng không chỉ có 12 tấn vải thiều sang Mỹ bằng đường biển, giá thành cao, dẫn đến tính cạnh tranh hạn chế.

Tình trạng các thương nhân kinh doanh vải thiều không thông qua hợp đồng, bị động vẫn còn. Chưa có nhiều doanh nghiệp Bắc Giang đủ tiềm lực để làm đầu mối thu mua trực tiếp xuất khẩu vải thiều đến thị trường xa, khó tính. Việc triển khai mô hình liên kết sản xuất còn manh mún, thiếu tính liên kết giữa doanh nghiệp với hộ dân trồng vải thiều.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.