Lịch sử phát triển cây vải thiều ở Lục Ngạn

1. Giai đoạn 1960 – 1982

Thời kỳ này được coi là giai đoạn nghiên cứu thực nghiệm, bước đầu xác định được cây vải thiều là cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và đất đai của huyện Lục Ngạn.

Trước năm 1982, cơ cấu kinh tế của huyện được xác định là cơ cấu nông-lâm-công nghiệp. Trong nông nghiệp, tập trung phát triển lúa và màu lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày: đậu tương, lạc, mía ở các vùng đất thấp và được quan tâm chỉ đạo như một nhiệm vụ trong tâm trong suốt giai đoạn này. Còn cây lâm nghiệp được phát triển ở mọi vùng đất có độ dốc từ 15 độ trở lên. Các loại cây ăn quả chỉ được trồng rất ít trong vườn các hộ gia đình,

Từ những năm 1970, cây đậu tương ở Lục Ngạn có tốc độ phát triển rất nhanh cả về diện tích và sản lượng. Các giống đậu tương có năng suất cao, phẩm chất tốt được đưa vào trồng tại địa phương. Việc đưa cây đậu tương xuống trồng ở các chân ruộng một vụ lúa là sự sáng tạo của nhân dân các dân tộc trong huyện. Diện tích trồng đậu tương tăng từ 1261 ha năm 1976 lên 2214 ha năm 1982. Do áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất ngày càng tăng, sản lượng đậu tương tăng từ 370 tấn năm 1976 lên 1164 năm 1982. Với kết quả đó, huyện Lục Ngạn đã trở thành một điển hình của miền núi phía Bắc về trồng đậu tương và kỹ thuật đưa đậu tương xuống chân ruộng cấy lúa 1 vụ, phụ thuộc nước trời không ăn chắc đã góp phần đáng kể làm tăng hệ số sử dụng đất, tăng sản phẩm cho xã hội và cải tạo đất trồng trọt.

Cây mía một thời đã được phát triển mạnh, năm cao nhất đã trồng 700 ha mía. Sản phẩm đường thủ công của huyện đã từng nổi tiếng, được nhiều nơi biết đến với tên gọi “đường Chũ”. Để giúp nhân dân chế biến và tiêu thụ sản phẩm mía đường, được sự giúp đỡ của UBND tỉnh Hà Bắc và tỉnh Tây Ninh, huyện đã đầu tư xây dựng dây chuyền ép mía và chế biến đường tinh với công suất 200 tấn/ngày. Ngoài ra Nông trường Quốc doanh Lục Ngạn (thuộc tổng công ty Rau quả Trung ương) cũng có một nhà máy đường cồn đang hoạt động, làm nhiệm vụ chế biến cây mía. Đồng thời, các lò đường thủ công trong nhân dân cũng được phát triển mạnh. Cây mía cũng ít nhiều tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống nhân dân một số địa phương trong huyện.

Vào cuối những năm 70 đầu những năm 80, nhân dân Lục Ngạn tập trung cao độ cho việc thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn do Đảng đặt ra, đặc biệt là chương trình “lương thực – thực phẩm”. Huyện đã tập trung mở rộng diện tích, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vì vậy trong sản xuất lương thực đã thu được một số kết quả khá. Tổng sản lượng lương thực quy thóc năm 1982 đạt 35.780 tấn (trong đó màu quy thóc 17.604 tấn, chiếm tỷ trọng ~50%).

Để thực hiện chương trình “lương thực – thực phẩm”, huyện đã tập trung làm thủy lợi với khẩu hiệu “Thắt lưng buộc bụng, ăn cháo ăn khoai, làm thủy lợi để con cháu sung sương muôn đời”. Từ phong trào này, xã Quý Sơn đã trở thành lá cờ đầu của cả nước về làm thủy lợi nhỏ và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba. Nhân dân các dân tộc trong huyện đã đào đắp được 190 hồ đập nhỏ và 7 công trình trung thủy nông. Từ chỗ không cấy được lúa vụ chiêm xuân, đến 1982 diện tích lúa chiêm được tưới nước cho 30% diện tích lúa cả năm. Lục Ngạn trở thành huyện có phong trào mạnh về làm thủy lợi và cải tạo đất của tỉnh.

Một thời gian dài, do quan niệm chưa đầy đủ về ăn ninh lương thực và giải quyết lương thực tại chỗ, nên huyện tập trung mọi nguồn lực để phát triển sản xuất lương thực. Diện tích lúa nước có hạn, năm 1982 có 8.860 ha. Để tăng sản lượng lương thực, không còn cách nào khác ngoài việc tăng diện tích cây màu lương thực bằng cách khai phá đất đồi, đất rừng làm nương rẫy, vì vậy diện tích cây màu lương thực năm 1982 lên đến 9.600 ha trong đó có 3.370 ha khoai lang, 2.230 ha ngô, 4.000 ha sắn (năm có diện tích sắn cao nhất đạt 5.689 ha là năm 1978).

Thế mạnh của huyện được xác định trong chăn nuôi là phát triển chăn nuôi trâu, bò và lợn, nhằm cung cấp sức kéo và đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong và ngoài tỉnh. Với định hướng đó, đến năm 1982 đàn trâu cày kéo trong huyện đã lên tới 23.837 con, đàn bò 1.277 con, đàn lợn 33.813 con.

Lâm nghiệp trước năm 1982 tập trung vào việc khai thác gỗ, củi, tre nứa và các sản phẩm từ rừng tự nhiên theo chỉ tiêu khai thác lâm sản được giao trong kế hoạch hằng năm. Kết quả khai thác gỗ hàng năm từ 1.000 – 2.000 m3, củi từ 2.000 3.000 xe, tre, luồng từ 200.000 – 300.000 cây, nứa từ 1,5 triệu cây. Việc trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc cũng được quan tâm chỉ đạo và trở thành phong trào mạnh mẽ trong nhân dân. Nhằm mục tiêu của trồng rừng là phủ xanh đất trống đồi núi trọc, sản xuất gỗ hàng hóa cung cấp cho nhu cầu làm gỗ trụ mỏ và đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân.

Với lâm trường có hàng ngàn công nhân, các đội của Lâm trường đã có mặt ở hầu hết các xã trong huyện để trồng thông, bạch đàn. Phong trào trồng bạch đàn phát triển rất mạnh trong các xã, thông bản trong toàn huyện. Từ đồi núi đến ven các trục đường giao thông, cơ quan, trường học, bệnh viện, đơn vị quân đội đều được trồng bạch đàn, xà cừ hoặc thông. Đến năm 1982 diện tích trồng rừng khu vực quốc doanh là 5.399 ha, khu vực nhân dân là 4.100 ha, trong đó đất trồng rừng khu vực nhân dân hầu hết là đất đồi thấp, cũng là phần diện tích đất đai có khả năng lớn về trồng vải thiều.

Trải qua thời gian dài, nhân dân các dân tộc đã tìm tòi, thử nghiệm trồng nhiều loại cây, nhiều mô hình kinh tế khác nhau. Trong sự tìm tòi sáng tạo đó đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến xuất sắc: đậu tương Tân Mộc, thủy lợi Quý Sơn, trông cây nhân dân Thanh Hải, sản xuất chè, chuối Tân Quang, mía đường Tân Lập…Kết quả của quá trình sản xuất, các sản phẩm trên đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống nhân dân so với thời gian trước đó.

Tuy nhiên, nếu xét một cách toàn diện thì việc trồng các loại cây trên đây hiệu quả kinh tế đều không cao. Do đầu tư lao động sống và lao động vật chất hóa cao, nên giá trị thặng dư thấp và người dân lao động vô cùng cực nhọc mà đời sống không được nâng cao. Đến năm 1982 toàn hộ có 70% số hộ nghèo đói, số còn lại chưa được gọi là giàu có mà chỉ đủ ăn ở mức đạm bạc. Mặt khác, do khai thác quá mức tài nguyên rừng để được mở rộng diện tích gieo trồng các loại cây màu lương thực cùng với tập quán canh tác theo kiểu “du canh” nên diện tích đất được che phủ giảm nhanh chóng, tài nguyên đất đai ngày càng suy kiệt nghiêm trọng.

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên, trước hết là do chưa xác định được đúng hướng sản xuất, chưa tìm được chủng loại và cây trồng phù hợp. Mặt khác, do ảnh hưởng của cơ chế cũ, nên người dân chưa chủ động trong đầu tư phát triển sản xuất. Việc tổ chức, lựa chọn các loại cây trồng chủ yếu tuân theo kế hoạch rót từ trên xuống, sản xuất không gắn với thị trường. Nhà nước chưa có các chính sách thích hợp để thúc đẩy sản xuất, nhất là các chương trình về quản lý đất đai, khai thác nguồn vốn, về tiêu thụ sản phẩm và lưu thông hàng hóa.

Trong thời gian này, Lục Ngạn được giao nhiệm vụ tiếp nhận dân của một số tỉnh đồng bằng lên xây dựng kinh tế mới. Trong trăm nỗi lo toan cuộc sống mới, trong hành trang của họ đều có giống cây, con đem từ quê như một kỷ vật. Vải thiều và cam Thanh Hà – Hải Dương, nhãn lồng Hưng Yên, hồng Nhân Hậu và chuối tiêu Lý Nhân – Hà Nam đã lần lượt được đem trồng tại Lục Ngạn.

Đồi vải thiều Lục Ngạn
Đồi vải thiều Lục Ngạn

Lúc đầu, các loại cây đặc sản trên chưa được phát triển rộng rãi, chủ yếu trồng trong vườn, xung quanh nhà để cải thiện, nhưng cũng có một số gia đình như cụ Trình, cụ Chiểu (thị trấn Chũ) đã mạnh dạn trồng từ 30-60 cây từ đầu những năm 60, sau 10-15 năm đã cho năng suất ổn định. Người ta nhận thấy cây vải thiều trồng tại Lục Ngạn phát triển tốt, chất lượng cao không kém vải Thanh Hà, sản phẩm sản xuất ra được thị trường chấp nhận. Từ những năm 1980 các nhà máy đồ hộp ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Sơn Tây đã đến Lục Ngạn mua vải thiều để đóng hộp xuất khẩu. Ngoài ra vải thiều tươi còn được tiêu thụ tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Tuy nhiên sản lượng vải tươi lúc đó chưa nhiều. Do đặc điểm nền kinh tế nước ta bấy giờ, việc mua bán trao đổi hàng hóa thường lấy thóc làm tiêu chuẩn so sánh, để xác định các tỷ lệ trao đổi thích hợp, khi đó nhà máy đổi cho dân 1,2 kg đạm Urê lấy 1kg vải thiều tươi và 1 kg Urê = 3 kg thóc, như vậy 1 kg vải thiều tương đương với 3,6 kg thóc. Thực tế thấy rằng quan hệ đó cơ bản được ổn định cho đến ngày nay. Song cũng có lúc quan hệ trên thay đổi bất thường, giá trị bán 1 kg vải thiều tươi có thể mua được 10 kg thóc.

Từ thực tế trên, đã khiến người dân liên tưởng, so sánh hiệu quả của việc trồng vải thiều với các loại cây trồng khác như sắn, mía, đậu tương, bạch đàn, chè, thậm chí cả lúa. Nhận thấy rằng trồng vải thiều đem lại lợi ích hơn hẳn các loại cây khác. Chính từ đó, phong trào trồng vải thiều trong nhân dân bắt đầu phát triển một cách tự phát. Đến năm 1982 toàn huyện đã trồng 42 ha vải thiều, sản lượng ước tính đạt 100 tấn. Như vậy, trong suốt thời gian dài Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong huyện Lục Ngạn mất nhiều công sức tìm tòi, thử nghiệm và bước đầu đã xác định được vây vải thiều là cây trồng thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của huyện. Sản phẩm sản xuất ra đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

2. Giai đoạn 1982 – 1998

Đây là giai đoạn được coi là thời kỳ chuyển dịch một cách toàn diện và sâu sắc cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, theo hướng tăng nhân diện tích cây vải thiều, giảm dần diện tích cây màu lương thực và cây nông nghiệp ngắn ngày.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá, tổng kết đầy đủ tính khoa học và thực tiễn của việc trồng cây ăn quả trong thời kỳ 1960 – 1982, đã khẳng định rõ vai trò của cây vải thiều trong nền kinh tế huyện nhà. Huyện ủy – UBND huyện Lục Ngạn đã đi tới một quyết sách có tính quyết định là phát động phong trào trồng vải thiều sâu rộng trong nhân dân. Một quyết tâm chiến lược được đề ra là “di dời kinh đô vải thiều từ Thanh Hà lên Lục Ngạn”

Lịch sự phát triển vải thiều Lục Ngạn
Quả vải thiều Lục Ngạn tại Hà Nội

Mặc dù đã có sự chỉ đạo chặt chẽ như vậy, nhưng trong thời gian gần 10 năm đầu (1982 – 1990) diện tích cây vải thiều tăng rất chậm. Nguyên nhân của sự chậm trễ đó là do thiếu các điều kiện để phát triển sản xuất, nhà nước chưa có chính sách giao quyền sử dụng đất lâu dài đến hộ, các đối tượng cho vay của các tổ chức tín dụng lúc đó là HTX và các doanh nghiệp, còn các hộ nông dân chưa được vay vốn để sản xuất kinh doanh, thị tường tiêu thụ mới chỉ tập trung vào một số nhà máy sản xuất đồ hộp xuất khẩu, sức mua hàng năm chỉ ở mức 150 – 200 tấn. Ngoài ra vải thiều tươi còn được tiêu thụ tại Hà Nội, Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phía Nam với số lượng hạn chế. Mặc khác, do cơ chế chính sách của Nhà nước lúc bấy giờ chưa thực sự có tác dụng thúc đẩy lưu thông hàng hóa, càng làm khó khăn hơn cho việc tiêu thụ sản phẩm vải thiều cho nông dân.

Vào cuối những năm 1980 – 1998, dưới tác động tích cực của các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế. Cây vải thiều đã hội tụ đủ các điều kiện để phát triển. Nhà nước đã có chính sách giao quyền sử dụng đất lâu dài đên hộ nông dân. Trong thời gian này, UBND huyện đã giao 23.000 ha đất trống đồi núi trọc cho các hộ. Chính sách tín dụng hướng mạnh vào việc đầu tư cho sản xuất, các hộ nông dân được vay vốn để sản xuất kinh doanh. Song quan trọng hơn là thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng, cùng với thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng, cùng với thị trường trong nước vải thiều còn được bán qua Trung Quốc với số lượng lớn.

Tất cả các yếu tố trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho cây ăn quả nói chung và cây vải thiều nói riêng phát triển với tốc độ nhanh. Đến cuối năm 1998, toàn huyện đã trồng được 10.800 ha cây ăn quả, trong đó 8.000 ha cây vải thiều, diện tích cây trồng các loại cây có giá trị kinh tế thấp như: sắn, ngô, cây công nghiệp ngắn ngày và một phần diện tích cấy lúa 1 vụ không ăn chắc đã được chuyển sang trồng cây vải thiều và các loại vây ăn quả khác.

3. Giai đoạn 1998 đến nay

Là giai đoạn phát triển cây ăn quả theo hướng thâm canh và đa dạng hóa chủng loại cây ăn quả, trong đó chủ lực vẫn là cây vải thiều. Đến 1998, diện tích cây vải thiều tập trung tương đối lớn, khả năng mở rộng diện tích bị hạn chế, vì vậy cần tập trung thâm canh tăng năng suất, nâng cao sản lượng thu hoạch. Mặt khác, trong nền kinh tế thị trường, việc tập trung sản xuất với quy mô lớn theo hướng độc canh tất yếu sẽ khó tránh khỏi tổn thất, rủi ro trong tiêu thụ sản phẩm, làm giảm hiệu quả của sản xuất kinh doanh và tính bề vững của nền sản xuất dễ bị đe dọa.

Vì vậy huyện đã chủ trương tiếp tục phát triển mạnh cây ăn quả theo hướng thâm canh và đa dạng chủng loại cây ăn quả, lấy cây vải thiều làm chủ lực. Nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường về các loại hoa quả, nâng cao năng suất chất lượng, rải vụ thu hoạch, phát triển việc làm và tạo ra khả năng cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường, làm tăng nhanh sản lượng quả trong điều kiện diện tích cây trồng tăng chậm, hạn chế rủi ro tổn thất cho người làm kinh tế vườn và kinh tế trang trại.

Thời kỳ này, một số loại cây ăn quả mới như hồng không hạt, nhãn lồng, xoài và một số giống vải có thời gian thu hoạch khách nhau cho phép rải vụ như U hồng, lai Thanh Hà và một số giống vải Úc, Trung Quốc, Thái Lan…Các giống vải đó đã và đang được đưa vào trồng tại Lục Ngạn. Với định hướng nêu trên, thời vụ thu hoạch vải của huyện trước đây chỉ có 25-30 ngày, thời vụ thu hoạch quả rộ trong khoảng 10-12 ngày, thời gian này giá vải xuống thấp nhất chỉ bằng 50% lúc đầu vụ và cuối vụ. Đến nay, thời gian thu hoạch có thể kéo dài đến 55-60 ngày và giá vải ở thời kỳ đầu vụ, chính vụ và cuối vụ thu hoạch chênh lệch nhau không lớn. Lợi ích của người sản xuất và tiêu dùng được đảm bảo.

Đến cuối năm 2000, toàn huyện đã trồng được 13.739 ha cây ăn quả, trong đó có 11.235 ha vải thiều, 950 ha hồng, 650 ha nhãn. Sản lượng quả tươi đạt 20.120 tấn, trong đó vải thiều là 17.600 tấn. Cùng với việc tuyên truyền đẩy mạnh phát triển diện tích, các cấp, các ngành còn đặc biệt quan tâm đến việc giúp nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả. Nhờ có sự vào cuộc tích cực của các nhà khoa học từ Trung ương đến địa phương, cộng với kinh nghiệm chăm sóc cây vải thiều được đúc kết trong thực tiễn lao động thông minh và sáng tạo của nhân dân nên người dân Lục Ngạn đã thực hiện rất hiệu quả các kỹ thuật như: hạn chế cây vải thiều ra quả cách năm bằng việc bón phân khoa học, đúng thời điểm; sử dụng các biện pháp tỉa cành, tạo tán, khoanh cành; rồi thực hiện phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, đặc biệt là cách trị sâu đục cuống quả vải triệt để, đã giúp cho chất lượng quả vải thiều ở Lục Ngạn được nâng cao. Có lẽ hội tụ đủ các yếu tố: điều kiện đất đai, khí hậu mang đặc trưng riêng; sự quan tâm đặc biệt của cấp uỷ đảng, chính quyền và các nhà khoa học; cộng quá trình lao động cần cù, thông minh sáng tạo của nhân dân nên chất lượng quả vải thiều Lục Ngạn mới thơm ngon nổi tiếng không nơi nào sánh kịp: quả vải to đều, chín đỏ đẹp, ăn thơm ngon và ngọt lịm. Thương hiệu vải thiều Lục Ngạn ngày càng nổi tiếng và được khách hàng ở trong, ngoài nước tin dùng, ưa chuộng.

Vải thiều Lục Ngạn VietGAP
Vải thiều Lục Ngạn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Năm 2005, vải thiều Lục Ngạn đã được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp văn bằng bảo vệ độc quyền sở hữu công nghệ đối với nhãn hiệu hàng hoá tập thể “Vải thiều Lục Ngạn”. Vải thiều Lục Ngạn còn được tôn vinh ở các hội chợ trong nước và được người tiêu dùng bình chọn là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của cả nước. Thực tế, sản xuất vải thiều đã mang về cho người dân Lục Ngạn hàng trăm tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc phát triển diện tích vải thiều nhanh ở Lục Ngạn cũng không tránh khỏi một số vùng diện tích vải thiều ở trên đồi cao hoặc ở vùng trũng cây phát triển kém, cho chất lượng và giá trị quả không cao. Để tập trung nâng cao năng suất, sức cạnh tranh và giá trị của sản phẩm vải thiều, những năm gần đây, Huyện ủy – UBND huyện đã tăng cường chỉ đạo cơ quan chuyên môn, tuyên truyền vận động nhân dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, đồng thời đẩy mạnh mở rộng diện tích sản xuất vải thiều sạch an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng đó là việc cơ cấu lại vùng cây ăn quả phù hợp. Theo đó một phần diện tích vải thiều ở trên đồi cao đã được nhân dân trồng thay thế bằng rừng kinh tế; một số diện tích vải thiều ở vùng trũng thấp cũng đã được chuyển đổi sang trồng nhãn lồng và các loại cây ăn quả có múi cho giá trị kinh tế cao như cam đường Canh, bưởi Diễn, cam Vinh…

Đến nay, huyện Lục Ngạn có hơn 22.000 ha cây ăn quả, trong đó diện tích vải thiều còn 17.500 ha, và đã có 9.500 ha vải thiều được người dân sản suất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đẩy mạnh sản xuất vải thiều chất lượng nên giá trị sản phẩm không ngừng được nâng cao. Trong ba năm gần đây, nguồn thu từ vải thiều luôn đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Điển hình như năm 2014, sản lượng vải thiều của Lục Ngạn đạt 130.000 tấn, cho giá trị đạt 1.625 tỷ đồng. Như vậy, từ vùng đất nghèo đói xưa kia, nhờ phát triển cây ăn quả, đặc biệt là vải thiều mà bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc.Có thể thấy, sự phát triển nhanh chóng vùng cây ăn quả Lục Ngạn đã tác động làm thay đổi cơ cấu trong nông nghiệp và các thành phần kinh tế nông thôn; mô hình kinh tế trang trại phát triển mạnh mẽ; huyện có đến 4.486 hộ dân có thu nhập từ 100 đến trên 500 triệu đồng/năm từ vải thiều, trong đó 83 hộ có mức thu từ 300 – 500 triệu đồng. Hiện cây vải thiều vẫn được xác định là cây thế mạnh chủ lực trong tập đoàn cây ăn quả của địa phương.

Chat bằng Messenger